LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN BỐ TRẠCH
Từ năm 1945, Ngành Y tế Quảng Bình đã ra đời, sau cách mạng tháng 8 vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ban đầu non trẻ Ngành Y tế Quảng Bình với đội ngũ cán bộ chủ yếu là y tá, hộ sinh và một số ít y sỹ Đông Dương, chưa có bác sỹ. Hình thức hoạt động của ngành y tế là quân dân y phối hợp.
Trải qua nhiều giai đoạn, từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, Ngành y tế Quảng Bình đã trải qua những chặng đường đầy gian khổ, hy sinh. Song, thời kỳ hòa bình lặp lại đến nay Ngành Y tế Quảng Bình đã trưởng thành về nhiều mặt, trên tất cả các lĩnh vực từ phòng chống dịch bệnh, công tác khám chũa bệnh,....... Tinh thần của các cán bộ Ngành Y tế ngày một lớn lên, đạo đức của người thầy thuốc luôn được giữu vững cùng với sự phát triễn của Ngành Y tế Việt Nam.
Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch hình thành, phát triễn trong công cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với cả dân tộc và sau hòa bình lập lại đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cả một chặng đường dài ngót gần nữa thế kỷ qua đi, ghi lại những dấu ấn của sự hình thành, phát triễn là một quá trình lịch sử, không thể đầy đủ. Song phần nào cũng nói lên được lịch sử khái quát của bệnh viện từ gian nan mà ra, từ bền gan ý chí mà thành, cả tập thể, nhiều thế hệ xây dựng mà nên, đóng góp, xây dựng, phát triễn mà có.
Tiền thân là Nhà Hộ sinh huyện 1965; Bệnh viện chính thức được thành lập từ tháng 2 năm 1967, ở xóm Sen Cự Nẫm, buổi đầu với 50 giường bệnh, chưa có bác sỹ, sau đó có 1 bs với 70 cán bộ công nhân viên. Thời gian đầu vừa làm nhà, làm hầm điều trị. Khó khăn là thế, Công tác khám chửa bệnh chủ yếu là cứu chữa thương bệnh binh, dân quân hỏa tuyến, đào hầm chử A thành các dãy nơi điều trị, nơi điều hành, nhà phẫu thuật, có lúc phải thắp sáng bằng đèn măng sông, thắp sáng bằng đèn đạp điện để mổ vào ban đêm, dụng cụ hết sức thô sơ, mổ chủ yếu là các vết thương, mổ viêm ruột thừa, mổ đẻ,....điều trị nội khoa chủ yếu các bệnh thông thường; thuốc men, vật tư y tế chủ yếu là bao cấp từ cấp trên, của viện trợ, hàng hóa quân trang thời chiến. Khi chuyển lên tuyến trên vào Trung tâm tỉnh lị là Thị Xã đồng hới, lúc đó di dời lên vùng cộn bây giờ chủ yếu bằng cáng cứu thương đi bộ, khẩn cấp lắm chỉ có xe cứu thương hổ trợ từ trên xuống, hoặc dùng xe U oát của quân sự vận chuyển người bệnh, kể cả có khi vận chuyển bằng xe tải lớn.
Qua cuộc kháng chiến, bệnh viện đã di dời nhiều nơi từ xóm Sen về Xóm Lò Cự nẫm, rồi về Đầu Đôi...xóm Mới thuộc xã Vạn Trạch, sau đó đến Cầu Hiểm xã Trung Trạch, nay là Tiểu khu 9 Thị trấn Hoàn Lão. Trước đây được gọi là bệnh viện Nhà Vồ. Trong chặng đường phát triển ấy, kể sao hết những khó khăn, thiếu thốn của một đất nước đang chiến tranh chống giặp Mỹ xâm lược, cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện còn rất nghèo nàn, không có gì đáng kể. Được thành lập chưa bao lâu, bệnh viện cùng với ngành y tế cách mạng đã lại cùng cả nước theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Mặc dù nhiệm vụ chủ yếu trong thời kỳ này là phục vụ chiến đấu, và phải tập trung toàn bộ nguồn nhân tài, vật lực phục vụ cho tiền tuyến, nhưng trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đó bệnh viện cùng ngành y tế đã vẫn duy trì tốt các hoạt động của mình và không ngừng phát triển, đảm bảo phục vụ tốt việc chăm sóc thương, bệnh binh và phòng chống dịch bệnh. Những khó khăn, vất vả, những gian nan, hiểm nguy đã không làm sờn lòng các chiến sỹ áo trắng - những người luôn luôn có mặt tại các chiến hào, các khu điều trị dưới lòng đất để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch. Biết bao tấm gương y, bác sỹ-chiến sỹ kiên trung, dũng cảm đã xuất hiện trên mặt trận của bệnh viện, trong vùng, tham gia cùng các mặt trận, nhiều người đã để lại một phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, có người đã vĩnh viễn ra đi - họ đã hiến trọn đời mình cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc.
Phải nói rằng bệnh viện cùng Ngành y tế Quảng Bình đã cùng cả nước làm nên bản anh hùng ca bất diệt về sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau 30/4/1975, non song nước Việt được liền một dải. Trong niềm hạnh phúc về thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến, chúng ta vô cùng tự hào vì những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, trong đó có các anh chị em là các bậc tiền bối của bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch, đã đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Mặc dù phải đối phó với những tác động của nền kinh tế thị trường khi bước vào thời kỳ đổi mới, ngành y tế nói chung, bệnh viện huyện nói riêng, đã không ngừng khắc phục khó khăn, phấn đấu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Phương châm đổi mới của ngành y tế là kế thừa, nâng cao chất lượng, kết hợp phòng bệnh và chữa bệnh, lấy dự phòng làm chính, đông tây y kết hợp để xây dựng nền y học Việt Nam phát triển bền vững.
Sau đó đến thành lập Trung tâm y tế huyện, với nhiệm vụ vừa quản lý về y tế trên huyện, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa làm công tác khám chữa bệnh. Đến tháng 4 năm 2006 UBND tỉnh có quyết định chia tách thành hai mảng là Phòng Y tế trực thuộc huyện có chức năng quản lí hoạt động các Trạm y tế xã và Trung tâm Y tế huyện thuộc Sở Y tế với nhiệm vụ vừa khám chửa bệnh vừa làm công tác phòng chống dịch bệnh. Đến tháng 11 năm 2006 UBND tỉnh có quyết định chia tách Trung tâm Y tế huyện ra hai mảng là Bệnh viện đa khoa huyện, thuộc Sở Y tế là bệnh viện hạng III làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và Trung tâm Y tế dự phòng huyện trực thuộc Sở Y tế phụ trách các chương trình và phòng chống dịch bệnh.
Sau giai đoạn này (2006-2010) bệnh viện đã được Dự án Y tế Nông thôn; Dự án Trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng lại các Nhà điều trị và Nhà kỹ thuật, Nhà điều hành hai tầng; trang cấp nhiều trang thiết bị mới hiện đại cho bệnh viện như máy phãu thuật nội soi ổ bụng, máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm,...; bệnh viện cũng đã mua thêm nhiều thiết bị máy móc mới như máy X quang kỹ thuật số, máy sinh hóa tự động,..., đồng thời chú trọng phát triễn nhiều tiến bộ kỹ thuật y học với công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến của thế giới đã được ứng dụng thành công. Một số kỹ thuật chuyên môn cao đã được sử dụng thường xuyên. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao công nghệ y học hiện đại. Những bước tiến lớn về chất lượng khám chữa bệnh; Trình độ chuyên môn, tay nghề của cán bộ y tế ngày càng được nâng lên; cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được đầu tư tốt đã tạo điều kiện cho việc chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời và cứu sống được rất nhiều người bệnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện nhà.
Hiện nay bệnh viện đã trở thành bệnh viện hạng II, được UBND tỉnh ký Quyết định số 3480, ngày 31 tháng 12 năm 2015; với cơ cấu 19 khoa phòng chức năng, trong đó có một Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Trạch; với 257 cán bộ công nhân viên chức và người lao động; với 34 bác sĩ, 2 thạc sĩ, 2 bác sĩ đang học chuyên khoa II; trên 40 cán bộ từ đại học trở lên; nhiều kỹ thuật mới đã triển khai áp dụng trở thành thường quy như: Mổ kết hợp xương các loại, mổ trỉ theo phương pháp Longo, mổ thoát vị bẹn có đặt lưới nhân tạo, mổ u tuyến giáp, u vú, mổ đẻ lần 2 lần 3, mổ cắt tử cung toàn phần qua đường bụng và đường âm đạo, mổ kết hợp xương trong Răng Hàm Mặt, các phẫu thuật về mắt, đặc biệt gần đây bệnh viện đã triễn khai phẫu thuật nội soi cho sản khoa và ngoại khoa; triễn khai chụp X quang số hóa; các xét nghiệm cận lâm sàng hiện đại cũng được triển khai; công tác quản lý bệnh viện bằng hệ thống phần mềm, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đã giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; mua sắm thêm máy móc mới, cải tạo, sữa chữa các khu nhà điều trị, mua thêm trang thiết bị phục vụ cho người bệnh ngày một sạch sẽ tiện nghi hơn; có các phòng riêng để phục vụ công tác chăm sóc điều trị cho các đối thượng được TVHU quản lí,...Nói chung uy tín, chất lượng bệnh viện được nâng cao từng bước; công tác y đức được chú trọng và rèn luyện, từng bước đào tạo nâng cao đội ngủ thầy thuốc ngày một tốt hơn, đưa dịch vụ hiện đại đến với người dân.
Cả chặng đường gần 50 năm qua, lớp lớp thế hệ cán bộ công nhân viên chức Bệnh viện ĐK Bố Trạch đã nỗ lực phấn đấu, trưởng thành và cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Những kỷ niệm sâu bền, nghĩa tình sâu nặng, chung lưng đấu cật, chuyển dời bệnh viện đi nhiều nơi, dưới hầm cứu chữa bệnh nhân... Dù khó khăn vất vả đến đâu, cán bộ, CNV bệnh viện vẫn kiên trì phấn đấu cứu chữa bệnh thật tốt, tất cả vì bệnh nhân thân yêu. Và ngày hôm nay, Bệnh viện ĐK Bố Trạch đã trưởng thành vượt bậc, tạo dựng, khẳng định được "uy tín" của mình trên địa bàn huyện nhà và trong toàn tỉnh. Từng bước cải tiến và nâng cao kỹ thuật mới, trang thiết bị hiện đại.
Với tất cả niềm tự hào đó, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động Bệnh viên ĐK Bố Trạch xin nguyện hãy đoàn kết phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tâm đam mê với nghề, hết lòng vì bệnh nhân thân yêu, xứng tầm với bệnh viện có bề dày truyền thống lịch sử, xứng đáng với niềm kỳ vọng của ngành Y tế toàn tỉnh và của nhân dân huyện nhà.